Thời sinh viên, ngoài bè bạn, kiến thức cùng một vài mối tình vắt vai thì có lẽ laptop là thứ chúng ta nên có. Bởi vì nó sẽ giúp ích khá nhiều cho quá trình học hay công việc part-time của bạn.
Với nhiều bạn sinh viên, mua một chiếc laptop thì phải dùng đến 4 - 5 năm cho đến khi ra trường mới có thể thay đổi chiếc máy tính khác. Vậy sinh viên nên mua laptop nào? Tiêu chí ra sao? Hãy cùng mình theo dõi qua bài viết sau đây nhé!
1. Chọn laptop có cấu hình phù hợp với ngành học
Ngành học đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp sau này, do đó để chọn được laptop hỗ trợ tối đa cho ngành học của mình là điều rất cần thiết. Và tất nhiên mỗi lĩnh vực lại đòi hỏi laptop có những cấu hình khác nhau.
Ví dụ như laptop cho sinh viên ngành IT, lập trình: Thông thường thì với nhóm ngành này các bạn thường nghĩ tới những mẫu laptop có cấu hình thật cao, vì sẽ phải thường xuyên sử dụng các phần mềm như C++, Java, HTML,… tất nhiên hiệu năng càng cao thì càng hỗ trợ tốt hơn.
Tuy nhiên đây không phải tiêu chí chúng ta cần ưu tiên đầu tiên, sinh viên IT sẽ phải thao tác với bàn phím và nhìn vào màn hình máy tính nhiều giờ mỗi ngày, nên 2 yếu tố này là những điểm cần lưu ý đầu tiên. Sau đó là đến CPU, RAM và dung lượng ổ cứng để đảm bảo các phần mềm hoạt động hiệu quả.
Xem thêm: Lựa chọn laptop cho sinh viên học ngành IT năm 2021 cực dễ dàng
Laptop cho sinh viên ngành đồ họa và kỹ thuật cơ khí: đây là nhóm ngành đòi hỏi cấu hình máy khá cao để đảm đương các phầm mềm nặng chuyên về thiết kế. Nếu học ngành này bạn nên chọn máy có độ phân giải cao, CPU mạnh và RAM có dung lượng lớn.
Đối với việc thiết kế các bản vẽ phức tạp thì nên cân nhắc đến những dòng laptop workstation để có các mẫu card rời hỗ trợ rất tốt cho các phần mềm chuyên dụng.
Laptop dành cho sinh viên ngành kinh tế và khoa học cơ bản: Sinh viên những nhóm ngành này chỉ có những nhu cầu cơ bản như sử dụng Microsoft Office, lướt web, xem phim, tìm tài liệu...nên chỉ cần cân đối tùy thuộc vào điều kiện tài chính cũng như nhu cầu sử dụng.
Laptop dành cho sinh viên các khối ngành này thường là các sản phẩm có giá trung bình và tập trung vào sự tiện dụng.
Xem thêm: Học quản trị kinh doanh nên mua laptop nào sẽ phù hợp nhất?
2. Thiết kế và màn hình
Đối với sinh viên thiết kế gọn nhẹ, đẹp và tối giản là những tiêu chí phù hợp nhất khi chọn laptop. 13 - 15 inch là kích thước màn hình phổ biến và phù hợp nhất để học tập, cũng như đủ nhỏ gọn để sinh viên thường xuyên mang đi nhiều nơi.
Đặc biệt là đối với các bạn nữ thì khối lượng máy từ 1.2 - 1.8 kg là hợp lý nhất. Bạn cũng nên tránh những thiết kế nhiều chi tiết rườm rà để dễ dàng sửa chữa nếu hỏng hóc xảy ra.
Những thiết bị lớn hơn thì sẽ rất cồng kềnh, giá bán thường cũng cao hơn không phù hợp với ngân sách của đa số sinh viên. Còn nhỏ hơn thì đồng nghĩa với việc màn hình và bàn phím cũng nhỏ, việc này sẽ làm giảm trải nghiệm và sử dụng cũng kém hơn nhiều.
Màn hình cũng là yếu tố cần phải cân nhắc. Trừ khi bạn cần dùng laptop cho các ngành chuyên sâu về đồ họa như thiết kế hoặc kỹ thuật, nếu không thì Full HD là độ phân giải phù hợp với mọi nhu cầu của sinh viên.
3. Pin, bàn phím và các cổng kết nối
Thời lượng pin dài là yếu tố cực kì cần thiết đối với các bạn sinh viên. Một chiếc laptop thì pin chỉ cần từ 4 - 5 tiếng là hoàn toàn đủ cho nhu cầu sử dụng để học tập hàng ngày. Tuy nhiên thời lượng pin còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên các bạn có thể cố gắng lựa chọn những thiết bị có dung lượng pin cao trong tầm giá.
Về bàn phím thì bạn chỉ cần lựa chọn những bàn phím cảm thấy ưng ý nhất về cảm giác gõ phím. Nếu bạn thường xuyên làm việc trong môi trường thiếu sáng thì nên xem xét lựa chọn những bàn phím được trang bị đèn nền.
Một máy tính phù hợp với sinh viên cũng cần phải trang bị đầy đủ các cổng kết nối, để kết nối với các thiết bị ngoại vi và đặc biệt là máy chiếu.
4. Giá cả, độ bền và bảo hành
Sau khi đã xác định được những nhu cầu thiết yếu thì điều kiện tài chính là yếu tố quan trọng cuối cùng, quyết định nên lựa chọn sản phẩm nào. Đối với sinh viên thì mức giá từ 10 đến dưới 20 triệu đồng là ưu tiên lựa chọn hàng đầu, mức giá này sẽ đáp ứng tốt mọi nhu cầu cần thiết vì máy có tốc độ xử lý khá ổn.
Còn với mức giá dưới 10 triệu thì bạn sẽ phải đắn đo nhiều hơn. Mức giá dành cho những chiếc laptop phổ thông với tốc độ chậm, bộ nhớ lưu trữ ít. Mức giá này sẽ đáp ứng tốt nếu làm việc với Microsoft Office, duyệt web, xem phim hay chơi game nhẹ nhàng.
Ngoài ra, độ bền cũng là yếu tố quan trọng, vì nhiều bạn sẽ lựa chọn một chiếc laptop để cùng mình đi hết quãng đời sinh viên.